Branding (1)

Cẩm nang Branding (kì 1): Những điều bạn cần biết về xây dựng thương hiệu

Phần 1. Những nhầm lẫn về Branding, Brand Identity và Logo


Là một khái niệm đã tồn tại rất lâu trong giới kinh doanh, Branding (xây dựng thương hiệu) được xem là tiền đề làm nên sự phát triển mạnh mẽ của một doanh nghiệp. Vì được cấu thành từ tất cả các điểm chạm trong trải nghiệm khách hàng (từ hình ảnh đến dịch vụ…) nên đôi khi Branding dễ bị nhầm lẫn với những khái niệm khác như Thiết kế Brand Identity (Thiết kế nhận diện thương hiệu) và Thiết kế Logo (Thiết kế biểu trưng thương hiệu).

Branding là gì?


Khác với Brand Identity và Logo, Branding chú trọng vào việc xác lập thuộc tính, đặc điểm thương hiệu liên quan đến cảm xúc, thông điệp. Và gieo những điều đó vào tâm trí người tiêu dùng nhằm định vị nhận thức về thương hiệu, tạo thiện cảm với khách hàng và khiến họ mua sản phẩm. 


Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự nhầm lẫn giữa Branding, Branding Identity và Logo là tính trực quan về mặt hình ảnh. Vì đối với một số khách hàng mục tiêu, khi mới bắt gặp sản phẩm hoặc nhãn hàng trên thị trường, họ sẽ không có đủ thời gian để lắng nghe toàn bộ câu chuyện, thông điệp mà công ty muốn truyền tải. 


Vì vậy, lúc này, doanh nghiệp và khách hàng sẽ tập trung vào những yếu tố hình ảnh, thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Do đó, thay vì nhớ đến thông điệp, câu chuyện thương hiệu, khi nhắc về Branding, không ít người lại nghĩ đến Brand Identity và Logo.

Điều cần biết về Brand Identity và Logo



Trong quá trình xây dựng Branding cho một số dự án, khách hàng thường tìm đến Bracom như một đơn vị giúp biến tham vọng của họ thành thành những sản phẩm có thể cảm nhận rõ ràng. Vì vậy, thiết kế Brand Identity và Logo là hai yêu cầu thường xuyên được các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) đề cập đến trong đề bài. 


Tuy nhiên, khi xét về mặt tổng quan, biểu tượng hay bộ nhận diện đều không phải là tất cả những gì thị trường nghĩ về doanh nghiệp của bạn. Không ai mua sản phẩm chỉ vì một chiếc Logo hay màu sắc đẹp. Thay vào đó, họ mua sản phẩm dựa trên rất nhiều yếu tố, đặc biệt là cảm xúc mà thương hiệu mang lại. 


Trên thực tế, Brand Identity là tập hợp các thiết kế được thực hiện trong quá trình Branding. Đó có thể là logo, màu sắc, font, ý nghĩa biểu tượng… Mục đích của Brand Identity là tạo dấu ấn, sự nhất quán cho thương hiệu và các sản phẩm đi kèm. Còn Logo lại đóng đóng vai trò phân loại thương hiệu, được xem là yếu tố quan trọng, góp phần làm nên bản sắc doanh nghiệp và các tiêu chuẩn đồ họa khác. 


Theo đó, Logo không phải là thương hiệu mà là một phần của hệ thống nhận diện thương hiệu (Brand Identity). Chính quá trình Branding sẽ giúp nâng cao độ nhận biết của Logo và danh tiếng công ty trên thị trường. 

Phần 2. Mối liên hệ giữa Branding và Marketing 


Logo, Brand Identity được xem là điểm chạm về mặt hình ảnh, nhận diện. Song Branding vẫn còn cần rất nhiều những điểm chạm khác. Ví dụ, khi mua một món đồ thời trang, điểm chạm sẽ nằm ở nội thất, kiến trúc, mùi hương tại cửa hàng, thái độ phục vụ của nhân viên và cả bài viết trên các nền tảng mạng xã hội.



Một dự án Branding tốt là một dự án mà tất cả các điểm chạm đều thống nhất, kể chung một ngôn ngữ nhưng vẫn phát huy được tính đặc thù. Và để làm được điều đó, không thể không nhắc đến vai trò của Brand Strategy (Chiến lược thương hiệu), cũng như mối liên hệ mật thiết giữa Branding và Marketing. Đây được xem là những yếu tố giúp khẳng định vị trí, hình thành bản sắc và danh tiếng của một thương hiệu trên thị trường. 

Tìm hiểu về Brand Strategy 


Một thương hiệu Branding tốt đồng nghĩa với việc họ có Chiến lược thương hiệu (Brand Strategy) chất lượng. Theo đó, chiến lược thương hiệu (Brand Strategy) được xem như bộ khung cho tất cả các yếu tố (từ điểm chạm đến Marketing).


Brand Strategy là tập hợp các giải pháp, kế hoạch dài hạn để xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Brand Strategy giúp xác định 2 yếu tố quan trọng của một thương hiệu, đó là Mục đích cho sự  hiện diện của thương hiệu (Brand purpose) và Định vị thương hiệu (Brand positioning) trên thị trường. Từ đó, khách hàng có cơ hội hiểu thêm về những hệ giá trị và lợi ích mà thương hiệu mang lại và có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp cho nhu cầu của bản thân.  

Mối quan hệ giữa Branding và Marketing đối với thương hiệu



Có rất nhiều câu hỏi về sự biệt lập giữa Branding và Marketing. Trên thực tế, chúng có mối liên hệ gắn kết và bổ trợ lẫn nhau, không thể nào tách bạch. Theo đó, có thể hiểu một cách đơn giản là việc xây dựng một thương hiệu ví như xây dựng một ngôi nhà, thì Branding chính là phần nền móng và các hệ cột chịu lực chính cho công trình, Thiết kế Brand Identity là phần trang trí nội thất, ngoại thất, còn Marketing chính là những hoạt động chăm sóc, phát triển ngôi nhà thành một tổ ấm. Hay nói cách khác, Branding giữ yếu tố then chốt về định vị, góp phần tạo nên sự thành công của các chiến dịch Marketing. 


Một thương hiệu xây dựng Branding tốt sẽ sở hữu một nền móng vững chắc. Lúc này, Marketing sẽ có nhiều đất diễn và kể một câu chuyện thú vị hơn, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận. Ngược lại, nếu Branding chưa tốt, Marketing sẽ gặp đôi chút khó khăn về việc phát triển ý tưởng. Team Marketing có thể phải tự triển khai thêm nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Điều này dẫn tới sự bất nhất trong việc xây dựng chiến lược và quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Phần 3. Bí quyết tạo nên một Brand Strategy hiệu quả


Khác với các Campaign Marketing chỉ tập trung vào một giai đoạn hoặc thời điểm ngắn nhất định, Branding là một hành trình khá dài, cần sự đầu tư nghiêm túc về thời gian và công sức. Để xây dựng một chiến lược thương hiệu tốt, doanh nghiệp nên áp dụng quy trình bài bản nhằm phác họa được chân dung khách hàng, xây dựng hệ giá trị, điểm khác biệt và chiến lược định vị, lựa chọn hình mẫu nhân cách để đáp ứng những yêu cầu và vượt qua thách thức từ thị trường… Tại Bracom Agency, chúng tôi xây dựng cách tiếp cận và giải quyết các yêu cầu từ khách hàng một cách chính xác, khoa học và hiệu quả dựa trên:



- Sự đầu tư về thời gian: Thay vì tiếp cận trực tiếp và đưa ra lời giải ngay lập tức, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về sản phẩm/dịch vụ và trò chuyện cùng khách hàng. Để tư vấn kiến thức, Bracom tổ chức nhiều buổi workshop liên quan đến chủ đề Branding nhằm giúp khách hàng hiểu rõ về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu. 


Ngoài ra, việc tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, hành trình và tham vọng của những nhà sáng lập thương hiệu giúp chúng tôi thêm phần thấu hiểu: Vì sao họ quyết định thành lập và xây dựng thương hiệu này? Sau khi đã hiểu về doanh nghiệp thì đó là lúc chúng tôi tìm kiếm ngôn ngữ, cách thể hiện phù hợp với sản phẩm và định hướng của nhà sáng lập.



- Thiết kế ứng dụng cao: Khi đã hiểu về tinh thần và sản phẩm của đội ngũ sáng lập. Bracom sẽ có sự đánh giá và đưa ra giải pháp cho thương hiệu. Dựa trên những nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, Bracom sẽ tạo ra bộ nhận diện sáng tạo đột phá, có tính ứng dụng cao, không bị thay đổi quá nhiều trước những biến động ngay trong nội bộ công ty. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đồng bộ được thiết kế, giữ vững tinh thần như những ngày đầu thành lập. 


Để làm được điều đó, Bracom luôn hướng đến những thiết kế dễ hiểu với hơi thở hợp thời đại, chứa đựng những thông điệp có sự đồng cảm và thuyết phục khách hàng. Điều này sẽ đảm bảo tính hữu dụng, giúp ích cho quá trình thực thi về lâu dài.



- Sự chân thành: Với trách nhiệm của người làm Branding, chúng tôi luôn tập trung vào định hướng dài hạn của thương hiệu. Giữ vững tinh thần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, bằng việc khai thác triệt để thế mạnh về thiết kế và chuyên môn vững chắc trong lĩnh vực Branding, chúng tôi luôn vận hành và phát triển với khát khao nâng tầm tiềm lực thương hiệu. 


Các vướng mắc trong quá trình xây dựng chiến lược luôn được giải đáp triệt để trước khi Bracom kết thúc và bắt đầu triển khai các hạng mục sáng tạo khác. Chúng tôi tin rằng với định hướng và tâm huyết của đội ngũ, Bracom sẽ giúp thương hiệu mở ra hướng tiếp cận độc đáo, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng với thông điệp mạnh mẽ và câu chuyện đầy sức hút. 

Kết


“Làm Branding như đánh một ván cờ. Bạn có thể tính toán từng nước đi trong đầu nhưng lại cần thời gian để kiểm chứng sự thành công của cả một chiến lược” - Andy Ho (Founder of Bracom Agency).



Đối với Bracom, Branding là một lĩnh vực thử thách nhưng không kém phần thú vị vì cần thời gian dài để kiểm chứng. Branding như phần gốc rễ của một thương hiệu. Một doanh nghiệp có thể phát triển theo nhiều hướng nhưng Branding là phần khó và quan trọng nhất. Điều đó khiến chúng tôi liên tục đồng hành, tin tưởng và dõi theo sự thành công của khách hàng. 


Chúng tôi đã từng gắn bó với không ít doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập. Và chính sự thành công của họ đã mang đến sự hứng khởi và động lực do người làm Branding tại Bracom Agency. Điều này vô cùng phù hợp với giá trị cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi - Hướng đến những giải pháp sáng tạo mang tính ổn định và lâu dài.


Để tìm hiểu thêm những kiến thức về xây dựng thương hiệu, đừng bỏ lỡ các bài viết tiếp theo của “Cẩm nang Branding” bạn nhé!

11.10.2023